Đau dây thần kinh hông | Nguyên nhân, Cách chữa trị
Bệnh đau dây thần kinh hông cũng có thể phòng ngừa và chữa trị mau chóng nếu được phát hiện kịp thời. Ở bài viết này, hãy cùng tìm hiểu triệu chứng, nguyên nhân và cách chữa trị bệnh nhanh khỏi.
1. Vị trí
Dây thần kinh hông to và dài nhất cơ thể, kéo dài từ mông xuống tới mắt cá chân do rễ L5 và S1 tạo thành.
Đau dây thần kinh hông là một trong những hội chứng đau dây thần kinh thường gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau do dây thần kinh bị tổn thương, viêm nhiễm hoặc chèn ép.
2. Triệu chứng
Đau dây thần kinh hông thường bắt đầu bằng những cơn đau lưng khiến người bệnh thường chủ quan. Tuy nhiên, hãy để ý 4 triệu chứng điển hình sau đây để có thể nhận biết bệnh sớm và kịp thời.
- Đau lan dọc xuống phía đùi theo rễ thần kinh L5 và S1: Bệnh nhân sẽ thấy đau dọc từ lưng eo phía ngoài tới cẳng chân rồi tới tận ngón chân út. Hoặc đau dọc ra phía sau mông, xuống đùi đến bắp cẳng chân và ngoài bàn chân.
- Đau lan từ mông xuống, lệch sang một bên: đau lan từ lưng xuống, gây đau dây thần kinh ở mông, lan xuống đùi, gót chân hoặc đau ngược lại từ gót chân trở lên; đi tập tễnh, đứng lâu thấy buốt hông, co cứng, dậm chân cũng đau nhói,...
- Đau nhiều khi vận động: cơn đau tăng lên khi đi xe qua ổ gà hoặc chỗ xóc mạnh; cúi người xuống cũng đau; nghiêng người đi lại đau do cột sống cứng; đau tái phát khi ho mạnh, hắt hơi, đi đứng nhiều trong ngày,...
- Chân tê bì, mất cảm giác: đây là triệu chứng đau nặng, lúc này bệnh nhân không tự chủ được đại tiểu tiện.
Người bệnh vẫn có thể làm việc bình thường nếu đau nhẹ và kéo dài chỉ trong vài ngày là biến mất. Tuy nhiên, đây cũng là dấu hiệu khiến người bệnh chủ quan và bỏ qua việc thăm khám chữa trị. Bệnh sẽ ngày càng trở nặng, kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và cuộc sống.
Vì vậy, chúng tôi khuyên bạn, với bất kỳ dấu hiệu đau nào kể trên, cũng nên tới bác sĩ để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời.
3. Nguyên nhân
Đau dây thần kinh hông thường xuất phát bởi 2 nguyên nhân, khách quan và chủ quan.
- Nguyên nhân khách quan: do ảnh hưởng của các căn bệnh khác như thoát vị đĩa đệm, lao cột sống, u vùng đốt xương cùng, trượt đốt sống, viêm cột sống dính khớp...
- Nguyên nhân chủ quan: làm việc nặng, mang vác quá sức dẫn tới vượt sức chịu đựng của đĩa đệm, rách vành thớ, nhân nhầy chèn ép lên rễ thần kinh hông. Nếu chịu lực quá nặng, có thể gây ra cơn đau cấp tính.
Ngày nay, việc chẩn đoán chứng đau dây thần kinh hông đã có nhiều thuận lợi hơn so với trước đây. Bằng phương pháp chụp bao rễ thần kinh, chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để xác định bệnh nhanh chóng và chính xác.
4. Cách chữa trị
Việc điều trị đau dây thần kinh hông dựa trên nguyên nhân gây bệnh và tình trạng bệnh.
- Điều trị nội khoa: bao gồm dùng thuốc giảm đau, kháng viêm kết hợp với vận động, xoa bóp, chế độ dinh dưỡng hợp lý. Hoặc lựa chọn đông tây y kết hợp đi cùng với châm cứu và vật lý trị liệu.
- Điều trị ngoại khoa: chỉ định phẫu thuật do nguyên nhân chèn ép.
Lưu ý: Bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc và uống thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Đau dây thần kinh hông nếu không chữa trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt đời sống, giảm sức lao động, bị teo cơ và có thể gây tàn phế.
Hy vọng bài viết giúp bạn đọc có thêm hiểu biết và nhận thức kịp thời tình trạng bệnh của mình để khám và chữa trị, nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Bài viết liên quan