Thoái hóa khớp ngón tay và những điều cần biết

Thoái hóa khớp ngón tay là căn bệnh không hề xa lạ gì đối với những người cao tuổi mà ai cũng đều gặp phải. Nắm rõ đâu là nguyên nhân, dấu hiệu đầu tiên của bệnh sẽ giúp bạn có thể kiểm soát và cải thiện được chức năng của các khớp. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đầy đủ cho bạn những thông tin xung quanh căn bệnh thoái hóa khớp ngón tay!

1. Thoái hóa khớp ngón tay là gì?

3 xương đốt ngón tay ở mỗi ngón tay nối với nhau bởi 2 khớp, được gọi là khớp liên đốt ngón tay. Khớp gần với khớp bàn tay nhất được gọi là khớp liên đốt gần. Khớp nằm gần đầu ngón tay gọi là khớp liên đốt xa. Riêng ngón cái chỉ có một khớp liên đốt giữa 2 xương đốt ngón cái. Các khớp này cũng hoạt động như khớp bản lề khi gập, duỗi ngón tay. Các khớp ngón tay được bao phủ bên ngoài bởi lớp sụn khớp, có màu trắng và độ cứng như cao su. Sụn khớp có chức năng hấp thu các va chạm, tạo một bề mặt trơn láng để thuận lợi cho khớp chuyển động. Bất cứ khớp nào cũng có thể bị thoái hóa, tuy nhiên hiện tượng này xảy ra nhiều ở các khớp phải hoạt động thường xuyên như khớp cột sống cổ, khớp ngón tay… Thoái hóa khớp ngón tay là tình trạng khớp ở ngón tay bị viêm sưng do lớp sụn khớp bao ở đầu xương đã bị bào mòn và thoái hóa qua thời gian. Căn bệnh sẽ diễn biến âm thầm trong nhiều năm và có thể xảy ra ở bất kỳ ngón tay nào của người bệnh. Khi sụn khớp bị bào mòn, hư tổn thì đầu xương bị va chạm, cọ xát vào nhau ngay cả khi thực hiện các hoạt động hết sức bình thường cũng có thể bị khiến cho khớp bị tổn thương nghiêm trọng. Bên cạnh đó, xương mới lại tiếp tục tăng trưởng khiến cho tình trạng sưng viêm ngày càng nghiêm trọng và có khả năng khiến cho bàn tay người bệnh trở nên méo mó, biến dạng. Thoái hóa khớp ngón tay được cho là căn bệnh của tuổi già, của sự lão hóa. Tuy nhiên, thực tế thì căn bệnh này còn do một số nguyên nhân như: thừa cân béo phì, do di truyền, do chấn thương... Đặc biệt, phụ nữ thường có tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa khớp ngón tay cao hơn ở nam giới vì họ là những người làm công việc nhà thường xuyên. Theo thống kê thì có khoảng 75% ca mắc bệnh thoái hóa khớp ngón tay là nữ giới. Thoái hóa khớp ngón tay có thể ảnh hưởng đến một khớp hoặc nhiều khớp cùng một lúc. Khi khớp ngón tay bị thoái hóa có thể phát triển các u nang xương, khiến các đốt ngón tay trở nên to và thô hơn.

Thoái hóa khớp ngón tay (Ảnh minh hoạ)
Thoái hóa khớp ngón tay (Ảnh minh hoạ)

Khớp ngón tay nào dễ bị thoái hóa?

Bất kỳ khớp nào ở ngón tay cũng có thể bị thoái hóa. Tuy nhiên, các khớp thường bị ảnh hưởng nhất bao gồm:

  • Khớp gian đốt gần (PIP): Đây là các khớp liên kẽ chịu trách nhiệm nối các đốt ngón tay.
  • Khớp gian đốt xa (DIP): là khớp cuối cùng của các ngón tay và ngón tay cái.
  • Khớp cơ bản (Carpometacarpal joint): Đây là khớp đầu tiên ở gốc ngón cái, chịu trách nhiệm kết nối ngón cái và cổ tay.
  • Các khớp cầu lồi (MCP) và đốt ngón tay thường hiếm khi bị thoái hóa khớp.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thoái hóa khớp ngón tay thường có xu hướng phát triển ở tay trái, bất kể người bệnh thuận tay trái hay tay phải. Tuy nhiên, những người có thói quen sử dụng một tay hoặc có sự chênh lệch lớn, thoái hóa khớp thường gây ảnh hưởng đến tay thuận.

Thoái hóa khớp gây ảnh hưởng đến chức năng tay như thế nào?

Bệnh nhân thoái hóa khớp ngón tay, đặc biệt là ở ngón trỏ và ngón giữa thường có các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Điều này thường được giải thích là do ngón cái cần thiết cho nhiều hoạt động cầm nắm trong khi ngón trỏ và ngón giữa được sử dụng với mục đích kẹp đồ vật nhỏ. Một số nghiên cứu ở người bệnh thoái hóa khớp bàn tay, ngón tay (bao gồm cả nam và nữ), các ảnh hưởng phổ biến nhất có thể bao gồm:

  • Thoái hóa khớp ở ngón giữa và ngón cái có thể khiến sức mạnh bàn tay yếu hơn. Điều này dẫn đến việc suy giảm khả năng cầm nắm đồ vật.
  • Thoái hóa khớp ở ngón cái và ngón trỏ có thể dẫn đến cấu, véo, kẹp và làm mất sự tỉ mỉ, kết hợp của bàn tay.

Ngoài ra, thoái hóa khớp bàn tay, ngón tay được cho là một yếu tố nguy cơ gây Hội chứng ống cổ tay.

Triệu chứng của thoái hóa khớp ngón tay

Triệu chứng thoái hoá khớp ngón tay
Triệu chứng thoái hoá khớp ngón tay
Đau và cứng khớp luôn là dấu hiệu phổ biến của người bị thoái hóa khớp và với bệnh thoái hóa khớp ngón tay cũng vậy. Triệu chứng này có thể gây khó khăn cho người bệnh khi thực hiện các hoạt động thường ngày như cầm đũa hoặc cầm điện thoại di động. Tình trạng đau đớn và cứng khớp có thể trở nên tồi tệ hơn sau một thời gian dài không hoạt động. Người bệnh thoái hóa khớp ngón tay thường gặp phải những triệu chứng sau đây:

  • Đau khớp: Đây là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh thoái hóa khớp ngón tay. Cơn đau thoái hóa này có thể xuất hiện ở một bên hoặc cả hai bên tay. Cơn đau gia tăng mức độ khi bệnh nhân cử động mạnh và giảm khi nghỉ ngơi.
  • Cứng khớp: triệu chứng này thường xuất hiện vào buổi sáng khi người bệnh mới ngủ dậy. Cứng khớp sẽ làm giảm độ linh hoạt trong cử động của các khớp ngón tay. Lúc này thì người bệnh sẽ khó khăn khi thực hiện các động tác khó như xoay tay, cầm nắm đồ vật…
  • Teo cơ ở bàn tay: Các cơ thuộc bàn tay và ngón tay của người bệnh sẽ bị teo nhỏ dần, tệ hơn nữa thì cơ và khớp có thể bị biến dạng. Nếu để tình trạng này kéo dài quá lâu có thể dẫn đến trường hợp xấu nhất là tàn tật.
  • Tay yếu: Lực ở tay của người bệnh thoái hóa khớp ngón tay thường yếu hơn bình thường. Việc này có thể ảnh hưởng đến các hoạt động cầm, vặn đồ vật...
  • Hình thành hạt Bouchard: Đây là những sự tăng trưởng xương ở các đốt ngón tay khiến các đốt tay có vẻ to hơn hoặc sưng lên. Tình trạng này khiến tay thô hơn và gây khó khăn cho việc đeo nhẫn.
  • Ngón cái vụng về: Đa số người thoái hóa khớp ngón tay thường cảm thấy mất kết nối ở gốc ngón tay cái. Điều này khiến ngón cái trở nên thiếu linh hoạt và vụng về.
  • Phạm vi chuyển động bị thu hẹp: Đây là lúc các khớp ngón tay không thể vận động được nhiều nữa. Tay của người bệnh giảm hẳn sức mạnh, khó có thể cầm nắm đồ đạc và di chuyển. Các khớp trở nên cứng cốc, khi cố vận động sẽ phát ra tiếng kêu lục khục.

Thoái hóa khớp ngón tay không gây nguy hiểm trực tiếp tới tính mạng. Tuy nhiên bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt thường ngày của những ai không may mắc phải. Trong một số diễn biến tệ hơn thì bệnh thoái hóa khớp ngón tay còn làm cho bàn tay bị cứng, co quắp… hoặc thậm chí là tàn tật.

Nguyên nhân thoái hóa khớp ngón tay

Nhóm người dễ mắc thoái hóa khớp ngón tay

Thoái hóa khớp ngón tay thường hay gặp ở độ tuổi từ 60 – 65 tuổi. Tỉ lệ số người mắc bệnh có xu hướng tăng dần theo tuổi, cao hơn ở nhóm tuổi từ 60 trở lên và cao nhất ở nhóm 70 – 80 tuổi. Tuổi cao là yếu tố nguy cơ cao nhất của thoái hóa khớp tay, do lượng máu đến nuôi dưỡng vùng khớp bị giảm sút, sự lão hoá sụn càng rõ rệt hơn làm cho sụn kém chịu đựng với các yếu tố tác động có hại đến khớp. Bệnh thường gặp ở nữ giới (75%). Như vậy, số lượng bệnh nhân nữ mắc thoái hóa khớp ngón tay, bàn tay nhiều gấp 3 lần so với nam giới. Nguyên nhân là do sự thay đổi hormone estrogen dẫn đến thay đổi tế bào sụn khớp. Những người có thể trạng béo phì cũng dễ bị thoái hóa khớp tay. Có đến 1/3 bệnh nhân thoái hóa khớp bàn tay bị béo phì.

Nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp ngón tay

Tuổi tác

Nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp ngón tay (Ảnh minh hoạ)
Nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp ngón tay (Ảnh minh hoạ)
Tuổi càng cao thì hiện tượng lão hóa diễn ra càng nhanh và cũng là nguyên nhân chính dẫn đến thoái hóa khớp. Thoái hóa khớp ngón tay xảy ra khi lượng máu đến nuôi dưỡng các khớp bị giảm sút. Lượng dinh dưỡng dành cho sụn khớp bị mất đi trong khi lực tác động bên ngoài vẫn diễn ra đều đặn khiến cho sụn khớp ngày càng yếu đi, dẫn đến thoái hóa và đau nhức. Làm việc liên quan đến bàn tay nhiều Những ai phải hoạt động bàn tay nhiều sẽ dễ bị thoái hóa khớp ngón tay hơn người bình thường (tiêu biểu là những người nội trợ, thợ thủ công, lao động tay chân, vv…). Riêng đối với những người thuận tay phải thì tỉ lệ thoái hóa khớp của ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa của bàn tay phải cũng cao hơn tay còn lại. Khi bị thoái hoá, các khớp bàn tay thuận cũng có biểu hiện nặng hơn, dễ bị biến dạng khớp hơn. Thiếu canxi Thiếu canxi cũng là nguyên nhân phổ biến của thoái hóa khớp ngón tay. Lượng canxi không đủ làm ảnh hướng tới độ chắc chắn của xương và sụn, khiến chúng không đủ sức để chống chọi với thoái hóa Các bệnh lý khác Thoái hóa khớp cũng có thể gặp sau chấn thương, gãy xương, viêm khớp dạng thấp, bệnh gout, một số bệnh rối loạn chuyển hoá như đái tháo đường... Đối với người cao tuổi còn có một nguyên nhân gây thoái hóa là do ít vận động cơ thể hoặc lười vận động.

Chẩn đoán thoái hóa khớp ngón tay

Chẩn đoán thoái hóa khớp ngón tay
Chẩn đoán thoái hóa khớp ngón tay
Để chẩn đoán thoái hóa khớp ngón tay, người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám. Khi đó, người bệnh sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm và kiểm tra kỹ lưỡng và từ đó bác sĩ sẽ đưa ra lộ trình điều trị phù hợp. Khi nhận thấy các dấu hiệu đau, mỏi khớp bàn tay, ngón tay. Khớp bị cứng vào buổi sáng hay khả năng vận động bị giảm sút thì bạn nên đến với các bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đầu tiên người bệnh cần cung cấp cho bác sĩ những thông tin chi tiết về bệnh sử của mình. Về những chấn thương đã có trong quá khứ, về biểu hiện của bệnh theo thời gian, mức độ và tần suất gặp phải những cơn đau, bệnh thoái hóa khớp của các thành viên trong gia đình,… Nhờ đó bác sĩ có cơ sở để xác định được phần nào nguyên nhân gây ra thoái hóa khớp ngón tay ở người bệnh. Tiếp theo, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện một số động tác chuyển động để xem khả năng vận động khớp đến đâu. Bác sĩ sẽ xác định phạm vi chuyển động khớp, khi cử động có phát ra tiếng kêu hay không, và hỏi xem người bệnh có cảm thấy đau đớn hay không. Bước này sẽ giúp bác sĩ xác định cơ bản được mức độ thoái hóa khớp ngón tay ở người bệnh. Để chẩn đoán tình trạng thoái hóa khớp ngón tay bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra các triệu chứng và thăm khám thực thể. Một số xét nghiệm để chẩn đoán bệnh có thể bao gồm:

  • X-quang: Hình ảnh thu được giúp bác sĩ nhìn thấy được những tổn thương ở khớp, xem tình trạng loãng xương và không gian bên trong sụn khớp
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu giúp loại bỏ các bệnh lý liên quan như viêm khớp dạng thấp.

Thoái hóa khớp ngón tay cần làm gì?

Thoái hóa khớp ngón tay là căn bệnh thường gặp khi tuổi già và nó không chừa một ai. Các triệu chứng của bệnh sẽ phát triển nghiêm trọng theo thời gian nếu như người bệnh không có kế hoạch chăm sóc và điều trị phù hợp. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp điều trị như:

1. Chăm sóc tại nhà

Trong các trường hợp nhẹ, người bệnh có thể thực hiện các biện pháp điều trị và chăm sóc tại nhà như:

  • Nghỉ ngơi đầy đủ: Người bệnh nên dành thời gian cho tay được nghỉ ngơi. Nếu làm công việc thường xuyên gõ máy tính cần dành thời gian để tay nghỉ ngơi điều này có thể hỗ trợ làm chậm quá trình thoái hóa khớp ngón tay.
  • Chườm nóng: Liệu pháp này giúp làm dịu các cơn đau và duy trì sự linh hoạt cho các ngón tay.
  • Nẹp cố định ngón tay: Nẹp cố định có thể hỗ trợ ổn định ngón tay và bàn tay. Sử dụng nẹp vào ban đêm có thể cải thiện các cơn đau và hỗ trợ người bệnh có giấc ngủ ngon
  • Các biện pháp điều trị thay thế: Bao gồm massage, xoa bóp, châm cứu có thể hỗ trợ giảm đau và cải thiện các triệu chứng thoái hóa khớp.

2. Sử dụng thuốc điều trị

Sử dụng thuốc tây để điều trị
Sử dụng thuốc tây để điều trị
Nếu như áp dụng các biện pháp tại nhà mà các triệu chứng không được cải thiện thì người bệnh có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ về các loại thuốc điều trị. Thuốc thường bao gồm:

  • Thuốc giảm đau tại chỗ: Có thể là kem bôi, miếng dán, gel có tác dụng cải thiện các cơn đau ở tay tạm thời
  • Thuốc giảm đau không kê đơn: Các loại thuốc giảm đau phổ biến như Ibuprofen và Naproxen có thể cải thiện các cơn đau nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, nếu người bệnh lạm dụng sử dụng lâu dài sẽ có thể tăng nguy cơ tổn thương hệ thống tiêu hóa, viêm loét dạ dày và các tác dụng phụ tiêu cực khác.
  • Tiêm Steroid: Có thể giúp giảm đau tạm thời, trong vài tuần hoặc vài tháng. Tuy nhiên, liệu pháp này không được khuyến cáo lâu dài, bởi vì nó có thể dẫn đến tác dụng phụ như suy yếu gân và dây chằng.
  • Tiêm Axit Hyaluronic: Có tác dụng bôi trơn các khớp bị ảnh hưởng và hỗ trợ giảm đau. Tuy nhiên, biện pháp này không phổ biến khi điều trị thoái hóa khớp ngón tay, đặc biệt là khi bệnh ảnh hưởng đến gốc ngón tay cái.

3. Phẫu thuật

Phẫu thuật thường được chỉ định khi người bệnh bị đau tay nghiêm trọng, mất chức năng hoạt động và khi thực hiện các phương pháp bảo tồn khác không mang lại hiệu quả. Hai phẫu thuật điều trị thoái hóa khớp ngón tay phổ biến bao gồm:

  • Hợp nhất hai xương: Mục tiêu của phẫu thuật này là loại bỏ nguyên nhân gây đau nhưng các khớp ngón tay sẽ không còn cử động, co giãn và mất tính linh hoạt.
  • Thay thế các khớp ngón tay: Phẫu thuật bao gồm loại bỏ sụn hoặc xương bị tổn thương và thay thế bằng các bộ phận nhân tạo. Các bộ phận giả này có thể làm từ nhựa hoặc kim loại.

Phẫu thuật có thể mang lại nhiều rủi ro và biến chứng tiềm ẩn. Vì vậy, người bệnh nên trao đổi kỹ với bác sĩ về các lợi ích và rủi ro trước khi thực hiện.

Kết luận

Thoái hóa khớp ngón tay là tình trạng xương khớp phổ biến tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó ảnh hưởng không nhỏ đến mọi hoạt động của bàn tay. Khi mà các dấu hiệu trở nên nghiêm trọng có thể gây mất chức năng tay. Vì vậy, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Trên đây là một số điều cần biết về bệnh thoái hóa khớp ngón tay. Nếu như bạn nhận thấy một số triệu chứng như vừa miêu tả thì hãy nhanh chóng tìm phương pháp cải thiện và tốt nhất là bạn nên tìm đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác nhé.

*** Bài viết có sự cố vấn của PGS. TS Lê Minh Hà, hiện nay đang công tác tại Viện Hàn Lâm Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam.13

Cập nhật lúc: 27/04/2024
  • Đặng Thị Hồng Vân đã bình luận

    27/04/2024 09:22

    Năm nay tôi 43 tuổi, thời gian gần đây tôi thường bị đau các khớp tay, chân mắt cá, khớp gần gón chân cái và bàn chân có biểu hiện ...[Xem thêm]
    • Chuyên viên tư vấn đã bình luận

      27/04/2024 09:22

      Chào chị Đặng Thị Hồng Vân Hiện tại chị đang ở tuổi 43. Đây là độ tuổi mà người phụ nữ thường có dấu hiệu của bệnh thoái hóa khớp. Lúc ...[Xem thêm]
  • Nguyễn văn Sơn đã bình luận

    27/04/2024 09:22

    Tháng này em đi làm công việc cũng ko nặng lắm mà về nhà nghỉ ngơi sáng dậy khớp ngón tay nó đau vậy em có phải viêm khớp ko ...[Xem thêm]
    • Dược sĩ Thu Trà đã bình luận

      27/04/2024 09:22

      Chào anh Nguyễn Văn Sơn. Cảm ơn anh đã quan tâm đến sản phẩm Khương Thảo Đan. Như chuyên gia đã gọi tư vấn với anh thì hiện tượng đau ...[Xem thêm]
  • Bài viết liên quan

    Xem thêm »
    vien-xuong-khop-khuong-thao-dan.jpg

    Bài Đọc Nhiều Nhất

    Loading...