Nguyên nhân thoái hóa khớp gối và cách cải thiện bệnh tại nhà

Thoái hóa khớp gối có diễn biến âm thầm và thường rất khó phát hiện ở giai đoạn đầu. Chỉ đến khi những triệu chứng của bệnh ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và công việc thì người bệnh mới chú tâm. Vậy đâu là nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị tại nhà ra sao? Sau đây thì chúng ta hãy cùng tìm hiểu các nguyên nhân thoái hóa khớp gối để tìm cách điều trị thích hợp nhé.

Tổng quan về căn bệnh thoái hóa khớp gối

Khớp gối chính là vị trí khớp rất quan trọng, có cấu trúc khớp lớn nhất cơ thể và chịu trách nhiệm nâng đỡ toàn bộ trọng lượng của cơ thể. Vì vậy, khớp gối rất dễ gặp tổn thương và bị thoái hóa, dẫn tới đau nhức, giảm khả năng vận động.

Tình trạng thoái hóa khớp gối đơn thuần chỉ là những tổn thương, biến đổi cấu trúc trên bề mặt sụn khớp và đĩa đệm gây tình trạng viêm và làm giảm dịch nhày bôi trơn giữa các khớp. Do đó, người bệnh có thể sẽ gặp phải các biểu hiện đau khớp, cứng khớp và làm giảm khả năng vận động khớp.

Bệnh nhân mắc phải căn bệnh này thường gặp phải những cơn đau âm ỉ, cứng khớp, xuất hiện nhiều vào buổi chiều và giảm đau về đêm và sáng sớm. Ban đầu, cơn đau thường xuất hiện khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi. Nhưng khi bệnh trở nặng, cơn đau xuất hiện thường xuyên hơn và mức độ đau cũng nghiêm trọng hơn.

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thoái hóa khớp gối. Cùng theo dõi phần tiếp theo đây để hiểu rõ về từng nguyên nhân cũng như những đối tượng dễ bị thoái hóa khớp gối.

Nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối

Tỉ lệ bệnh nhân mắc bệnh thoái hóa khớp gối không ngừng tăng lên mỗi năm, nhất là những người cao tuổi khiến không ít người hoang mang, lo lắng. Theo thống kê tại Việt Nam, có khoảng 30% người >35 tuổi và khoảng 80% người >60 tuổi mắc bệnh thoái hóa khớp gối. Nhưng càng về những năm gần đây căn bệnh này ngày càng trở nên trẻ hóa. Đa phần là do chế độ dinh dưỡng và lười vận động dẫn đến bệnh thoái hóa khớp gối ở người trẻ tuổi.

Nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối do nhiều yếu tố tác động như:

Nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối
Nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối

Yếu tố tuổi tác

Tuổi tác chính là nguyên nhân hàng dầu dẫn đến căn bệnh thoái hóa khớp gối. Bởi vì, khi tuổi càng cao thì khả năng tự sinh sản và tái tạo tế bào sụn ngày càng kém. Khi càng lớn tuổi thì chức năng tự sản sinh và hấp thu Glucosamine, chức năng tổng hợp chất để tạo nên các sợi mucopolycaccaride và collagen của tế bào sụn sẽ bị suy giảm. Các mô khớp hoặc mô sụn cũng suy yếu đi theo thời gian. Dẫn đến tình trạng lượng canxi để nuôi dưỡng sụn khớp bị mất dần.

Lúc này lớp sụn khớp rất dễ bị bào mòn, bị nứt vỡ, xương khớp sẽ bị mất đi tính đàn hồi và trở nên khô cứng. Theo nghiên cứu thì tình trạng thoái hóa khớp gối thường phát triển mạnh ở độ tuổi từ 40 - 60 tuổi. Ở độ tuổi dưới 50 thì phụ nữ là đối tượng dễ mắc thoái hóa khớp hơn là nam giới.

Tuy nhiên thì thời gian gần đây, bệnh xương khớp nói chung và thoái hóa khớp gối nói riêng đang có xu hướng trẻ hóa. Những ca mắc bệnh ở độ tuổi trung niên lẫn trẻ tuổi ngày càng tăng cao.

Do chấn thương

Những chấn thương do tai nạn giao thông, chơi thể thao, lao động nặng... làm cho sụn khớp bị vỡ, rách, gây đứt dãn dây chằng, vỡ xương bánh chè... khiến cho sụn khớp bị tổn thương nặng nề. Những tổn thương này nếu không sớm được điều trị đúng cách có thể để lại di chứng nghiêm trọng.

Theo các bác sĩ thì các chấn thương này sẽ làm quá trình thoái hóa khớp diễn ra nhanh hơn, nhất là các chấn thương ở vùng gối hay lưng. Đây cũng là nguyên nhân chính của các trường hợp người trẻ tuổi bị thoái hóa khớp.

Lười vận động

Đây là thói quen của rất nhiều người trẻ tuổi đặc biệt là những nhân viên văn phòng. Lười vận động lâu ngày dẫn đến các khớp xương kém linh hoạt, dây chằng bị chùng và kém đi. Điều này lý giải cho việc tại sao mà tình trạng thoái hóa khớp gối đang ngày một gia tăng ở những người trẻ tuổi. Theo thống kê có đến 30% tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa khớp gối do thói quen lười vận động.

Ngồi xổm

Thói quen ngồi xổm có thể làm tình trạng thoái hóa khớp gối tiến triển nhanh hơn
Thói quen ngồi xổm có thể làm tình trạng thoái hóa khớp gối tiến triển nhanh hơn

Ngồi xổm là thói quen của rất nhiều người Việt và đặc biệt là phụ nữ. Động tác này làm cho khớp gối bị kéo căng ra, cả cơ thể và phần mông sẽ bị trồi ra phía sau mà không được nâng đỡ. Lúc này thì khớp gối sẽ phải chịu trách nhiệm gồng để chống đỡ. Thực hiện động tác này thường xuyên sẽ làm đầu gối bị thoái hóa nhanh hơn.

Thừa cân béo phì

Người bị béo phì rất dễ bị thoái hóa khớp gối bởi vì khớp gối có trách nhiệm nâng đỡ toàn bộ trọng lượng của cơ thể. Khi cơ thể bị thừa cân, khớp gối chính là nơi trực tiếp chịu áp lực của khối lượng nặng. Sụn khớp bị quá tải sẽ rất nhanh bị bào mòn, gây nên thoái hóa.

Chế độ dinh dưỡng

Ngày nay, rất nhiều người do quá bận bịu với công việc thường ăn uống kém khoa học, ăn ngoài, chất lượng bữa ăn kém. Việc này nếu để kéo dài sẽ khiến cho cơ thể không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng, điều đó không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn cơ thể mà còn ảnh hưởng đến khả năng tiết dịch của bao hoạt dịch khớp. Dinh dưỡng chính là một trong những yếu tố tác động đến việc khớp gối bị bào mòn, phá hủy nghiêm trọng.

Giới tính

Theo nhiều nghiên cứu phụ nữ có nguy cơ mắc thoái hóa khớp gối nhiều hơn nam giới đến 30%. Do quá trình sinh nở, cấu trúc dây chằng trước của phụ nữ cũng yếu hơn so với nam giới. Kèm theo là thói quen thường xuyên đi giày cao gót ở một số chị em cũng là yếu tố giúp thoái hóa khớp gối tiến triển nhanh hơn.

Ngoài ra, phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh là đối tượng dễ mắc bệnh hơn do nội tiết nữ bị suy giảm trầm trọng, làm giảm khả năng cung cấp chất dịch nhầy nuôi dưỡng sụn khớp nên cũng có khả năng cao bị thoái hóa khớp gối

Bệnh lý

Ngoài những nguyên nhân cơ giới, một số căn bệnh cũng có tác động không nhỏ đến khả năng mắc bệnh thoái hóa khớp gối như: tiểu đường, gút, béo phì, viêm khớp dạng thấp, rối loạn chuyển hóa…

Yếu tố di truyền

Theo ước tính của các chuyên gia, có đến 40 đến 65% các trường hợp mắc phải căn bệnh này đều liên quan đến tiền sử gia đình. Vì vậy, những gia đình có bố mẹ bị bệnh thoái hóa khớp gối thì khả năng con họ mắc phải căn bệnh này cao hơn những đứa trẻ gia đình không bị bệnh.

Hoạt động quá mức

Tham gia hoạt động thể thao hoặc thực hiện công việc lặp đi lặp lại với tần suất và cường độ cao có thể gây căng thẳng ở khớp gối. Lâu dần, khớp có thể bị tổn thương và làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh. Một số hoạt động gây ảnh hưởng đến khớp gối như đứng, ngồi xổm hoặc khiêng, mang vác vật nặng,..

Yếu tố khiến thoái hóa khớp gối trầm trọng hơn

Các yếu tố nguy cơ khiến bệnh thoái hóa khớp gối trở nên trầm trọng hơn như:

  • Thường xuyên đi giày cao gót: Việc thường xuyên đi giày cao gót có thể gây ảnh hưởng ở đầu gối mỗi khi đi bộ. Điều này có thể làm tăng nguy cơ viêm khớp và khiến bệnh thoái hóa khớp gối thêm trầm trọng.
  • Tập thể dục ở cường độ cao: Tập thể dục tốt cho bệnh thoái hóa khớp nhưng tập thể dục ở cường độ cao sẽ là nguyên nhân khiến cho bệnh càng phát triển trầm trọng hơn. Vì vậy, bệnh nhân nên duy trì thói quen tập thể dục ở mức độ thấp để hỗ trợ điều trị bệnh.
  • Lối sống không lành mạnh: Một lối sống lành mạnh với chế độ ăn uống và nghỉ ngơi khoa học góp phần làm giảm triệu chứng bệnh thoái hóa. Ngược lại, nếu bệnh nhân không biết cách chăm sóc bản thân, thường xuyên thức khuya hoặc uống rượu, hút thuốc lá,… có thể khiến thoái hóa khớp gối trở nên phức tạp.
  • Tăng cân: Thừa cân là một trong những nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối. Vì vậy, để kiểm soát bệnh và ngăn chặn biến chứng, bệnh nhân nên chú ý trọng lượng cơ thể. Tốt nhất nên duy trì cân nặng ở mức độ phù hợp theo khuyến cáo của bác sĩ.

Biện pháp cải thiện bệnh thoái hóa khớp gối tại nhà

Khi đã biết được đâu là nguyên nhân gây bệnh chúng ta hoàn toàn có thể có những biện pháp can thiệp để làm chậm quá trình thoái hóa cũng như xương khớp khỏe mạnh khi tuổi còn trẻ. Dưới đây là một số biện pháp giúp cải thiện thoái hóa khớp gối tại nhà:

Kiểm soát cân nặng

Thừa cân, béo phì trong thời gian dài sẽ làm tăng áp lực lên sụn khớp làm phá hủy và gây hư hỏng sụn khớp, làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp. Vì vậy, việc kiểm soát cân nặng hiệu quả hoặc thậm chí là chỉ giảm một vài kg, bạn đã có thể làm giảm áp lực lên khớp cũng như nguy cơ viêm khớp, và đồng thời làm giảm nguy cơ thoái hóa khớp gối.

Vì vậy, bạn cần có chế độ ăn uống, luyện tập hợp lý để tránh tình trạng thừa cân, béo phì.

Tập thể dục

Tập thể dục: Đi bộ
Tập thể dục: Đi bộ

Mỗi ngày dành ra khoảng 30 phút luyện tập thể dục sẽ giúp cho hệ xương khớp của bạn chắc khỏe và tăng cường độ dẻo dai của cơ bắp, giúp hỗ trợ và ổn định khớp gối. Bên cạnh đó, tập thể dục còn giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, duy trì cân nặng hợp lý, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và tăng cường sức khỏe tim phổi. Vì vậy, bạn nên duy trì thói quen tập thể dục mỗi ngày.

Lưu ý, bạn nên lựa chọn các bài tập đơn giản nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, đạp xe đạp... tránh lựa chọn các bài tập cường độ mạnh như bóng đá, bóng chuyền, chạy bộ nhanh... nó có thể làm cho tình trạng thoái hóa khớp gối tiến triển nặng hơn.

Trong quá trình luyện tạp bạn nên chú ý nếu xuất hiện cơn đau kéo dài từ 1 - 2 tiếng bạn nên giảm cường độ tập luyện và cần khởi động trước khi tập luyện, dành thời gian nghỉ ngơi giữa buổi tập nhiều hơn. Để tránh chấn thương trong quá trình luyện tập, bạn hãy bắt đầu bài tập thật chậm và từ từ tăng dần lên, đồng thời hãy thay đổi các bài tập thể dục mỗi ngày.

Tránh chấn thương

Chấn thương có thể gặp phải trong quá trình tập thể dục, chơi thể thao hoặc cũng do những công việc lao động chân tay, bê vác… Chấn thương sẽ làm cho sụn rất khó lành. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu khớp bị thương sẽ có nguy cơ phát triển thành thoái hóa khớp cao gấp 7 lần so với khớp không bị chấn thương. Thậm chí những chấn thương nhỏ như gãy xương và trật khớp cũng có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp.

Chấn thương là điều không may nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tránh được nếu bạn cẩn thận và hạn chế những vận động mạnh ở mức thấp nhất có thể. Điều này thể hiện ở việc trong lúc làm việc nặng cần có đồ bảo hộ, khi chơi thể thao nên trang bị những miếng đệm bảo vệ vùng đầu gối.

Hãy cố gắng tránh những chấn thương xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Đó là điều quan trọng cần phải làm để bảo vệ sức khỏe xương khớp của bạn.

Ăn uống hợp lý

Thực tế không có chế độ ăn cụ thể nào cho người bệnh thoái hóa khớp gối nhưng chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của bệnh. Bạn nên tăng cường bổ sung những loại chất dinh dưỡng sau vào thực đơn hàng ngày để cân bằng quá trình thoái hóa và tái tạo khớp sụn, làm tăng độ dẻo dai, sức bền cho cơ xương khớp:

Người bị thoái hóa khớp gối nên bổ sung các loại thực phẩm sau đây:

  • Các loại cá như cá thu, cá trích, cá hồi… có rất nhiều omega-3, đây là chất kháng viêm khớp hiệu quả.
  • Nước hầm xương: nước hầm từ xươngcung cấp nhiều chonroitin và glucosamin, đây là những hợp chất cấu thành sụn và giúp hệ xương khớp chắc khỏe. Ngoài ra, bạn nên bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều canxi như trứng, sữa,.. giúp cho hệ xương chắc khỏe, dẻo dai.
  • Rau củ quả: người bệnh cũng nên bổ sung rau xanh cùng với ngũ cốc, các loại trái cây như đu đủ, chanh, dứa, cam, chanh… vì chúng chứa khá nhiều vitamin C và chất kháng viêm. Đặc biệt thì hiện nay nhiều nhà khoa học đã tìm ra được công dụng trị thoái hóa khớp của hỗn hợp bơ và đậu nành. Hỗn hợp này chứa các chất có khả năng kích thích tế bào sụn sản sinh ra collagen – thành phần quan trọng của xương, sụn và gân.

Ngoài ra thì bệnh nhân cũng nên kiêng một số loại thực phẩm sau:

  • Thức ăn chế biến sẵn có nhiều chất béo công nghiệp: khoai tây chiên, đồ nướng… chúng sẽ khiến cho bệnh viêm khớp trở nặng và người bệnh dễ tăng cân.
  • Thức ăn nhiều đường: Các loại bánh ngọt, chè… vì đường sẽ cản trở việc hấp thu canxi, khiến cơ xương bị yếu đi.
  • Thức ăn nhiều muối: Lượng muối cao sẽ làm xương bị giòn và dễ gãy.
  • Các chất kích thích: như bia, rượu, thuốc lá… rất có hại cho xương khớp.

Bên cạnh đó bạn cũng cần phải nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức, stress cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của xương khớp. Đặc biệt trong quá trình điều trị bệnh bạn nên tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ và thăm khám bệnh theo định kỳ để bác sĩ có thể xem tiến triển của bệnh ra sao để thay đổi phương pháp điều trị kịp thời.

*** Bài viết có sự cố vấn của PGS. TS Lê Minh Hà, hiện nay đang công tác tại Viện Hàn Lâm Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam.

Cập nhật lúc: 27/04/2024

Bài viết liên quan

Xem thêm »
vien-xuong-khop-khuong-thao-dan.jpg

Bài Đọc Nhiều Nhất

Loading...