Phương pháp phòng ngừa, điều trị bệnh thoái hóa khớp
Tuổi càng cao, các bệnh về khớp lại xuất hiện càng nhiều, thoái hóa khớp là căn bệnh điển hình của người già. Đau là biểu hiện ban đầu dễ dàng nhận biết nhất ở bệnh thoái hóa khớp, sau đó là hạn chế khi vận động. Vì thế thoái hóa khớp làm suy giảm rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên nếu bạn biết sớm được các phương pháp điều trị bệnh thoái hoá khớp và phòng ngừa dưới đây, bệnh sẽ được thuyên giảm, đồng thời hiệu quả điều trị bệnh sẽ tăng cao.
1. Thoái hóa khớp và nguyên nhân gây bệnh?
Thoái hóa khớp là bệnh mạn tính do thoái hoá tổ chức của khớp gần sụn khớp và xương ở một hay nhiều vị trí. Tuy tiến triển chậm, nhưng bệnh có thể nặng dần làm ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh nhân. Các nguyên nhân gây thoái hóa khớp là:
Sự lão hoá: Là nguyên nhân chính của thoái hóa khớp nguyên phát, xuất hiện muộn và thường ở người lớn tuổi (> 60 tuổi), ở nhiều vị trí, tiến triển chậm, không quá nặng. Tế bào sụn già dần, khả năng tổng hợp các chất tạo nên sợi collagen và mucopolysacharid giảm và rối loạn, chất lượng sụn kém dần, tính chịu lực và đàn hồi giảm.
Yếu tố cơ học: Chủ yếu gây thoái khớp thứ phát, thường gặp ở người trẻ (<40 tuổi), khu trú một vài vị trí, nặng và tiến triển nhanh. Yếu tố này thể hiện bằng sự tăng bất thường lực nén trên mặt khớp, gọi là hiện tượng quá tải, gồm:
+ Tăng cân quá mức do béo phì, tăng trọng tải do nghề nghiệp.
+ Biến dạng khớp thứ phát sau chấn thương, viêm, u...
+ Dị tật bẩm sinh làm thay đổi diện tích nén của các mặt khớp.
+ Yếu tố khác: do di truyền (cơ địa già sớm), bệnh nội tiết (mãn kinh, đái tháo đường, loãng xương do nội tiết), chuyển hóa (bệnh thống phong, bệnh da xạm nâu)
2. Phương pháp điều trị thoái hóa khớp
Để việc điều trị bệnh thoái hóa khớp được hiệu quả, cần nắm chắc những nguyên tắc chung sau:
- Làm giảm triệu chứng đau.
- Duy trì, hoặc điều trị phục hồi chức năng của các khớp.
- Hạn chế sự tàn phế.
- Tránh các tác dụng độc do thuốc.
- Điều trị kết hợp các biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc.
Điều trị không dùng thuốc: Đi thăm khám và điều trị sớm nếu bạn có cảm giác đau mỏi xương khớp do thoái hóa; chế độ ăn uống phải hợp lý; tránh dư cân, béo phì; tránh mang vác vật nặng, tránh tăng áp lực cho sụn khớp và đĩa đệm; thường xuyên tập thể dục có thể giúp giữ cho các khớp linh hoạt. Sử dụng gậy và các thiết bị trợ giúp khác giúp bảo vệ các khớp và cải thiện khả năng thực hiện công việc hàng ngày.
Điều trị bằng thuốc: Các thuốc giảm đau và thuốc chống viêm là lựa chọn hàng đầu (tuy nhiên chúng có nhiều tác dụng phụ và cần sử dụng theo chỉ dẫn của bác sĩ). Hiện nay, việc điều trị thoái hóa khớp đã có nhiều tiến bộ đặc biệt là các nghiên cứu chuyên sâu về việc sử dụng các chiết xuất từ thảo dược thiên nhiên. Viện Hàn Lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đã chiết tách thành công hoạt chất KG1 từ thảo dược địa liền, được đánh giá là có tác dụng vượt trội cho bệnh nhân thoái hóa khớp.
Phẫu thuật: Trong những trường hợp bệnh nặng, không đáp ứng với điều trị nội khoa cần xem xét việc điều trị ngoại khoa kết hợp: mổ nội soi để cắt xương, loại bỏ dị vật, sửa trục khớp; mổ thay khớp nhân tạo khi khớp bị mất chức năng.
3. Các cách phòng ngừa thoái hóa khớp
Bệnh thoái hóa khớp ngày càng phổ biến, và độ tuổi mắc bệnh này ngày càng trẻ. Vì vậy, ngay khi còn trẻ, bạn cần có ý thức phòng ngừa bệnh thoái hóa khớp. Sau đây là các biện pháp được các nhà chuyên môn khuyến cáo:
- Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức độ thích hợp, tránh dư cân béo phì.
- Tập thể dục: thường xuyên tập thể dục có thể giúp giữ cho các khớp linh hoạt. Bơi hoặc thể dục nhịp điệu thường là một lựa chọn tốt bởi vì nổi trên nước làm giảm căng thẳng các khớp mang trọng lượng.
- Giữ tư thế cơ thể luôn thẳng và cân bằng, tránh những sức ép không cân đối lên khớp. Ở tư thế thẳng sinh lý, diện tích tiếp xúc giữa hai mặt khớp sẽ đạt mức tối đa vì thế lực đè ép sẽ tối thiểu.
- Giữ nhịp sống thoải mái và thường xuyên thay đổi tư thế: Bạn nên sắp xếp công việc hợp lý, hài hòa giữa nghỉ ngơi và lao động. Nên nhớ rằng các cơ quan trong cơ thể đều cần có sự nghỉ ngơi để tái tạo lại năng lượng. Không nên lặp đi lặp lại một công việc hay tư thế làm việc kéo dài quá sức chịu đựng của cơ thể. Lực tác động không lớn nhưng nếu lặp đi lặp lại trong thời gian quá dài sẽ làm tổn thương khớp.
- Tránh những động tác quá mạnh, nhất là những động tác có thể làm lệch trục khớp và cột sống.
- Điều trị tích cực các bệnh lý xương khớp mắc phải.
Hy vọng với những thông tin cung cấp trên đây, bạn đọc đã biết thêm về bệnh thoái hóa khớp cũng như biện pháp điều trị và phòng ngừa bệnh. Cần luôn luôn nhớ rằng, việc kết hợp các biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc là ưu tiên hàng đầu nhằm đem lại hiệu quả tối ưu.
Thúy An
Bài viết liên quan
- Thoái hóa cột sống lưng là gì? Tổng hợp những điều cần biết về thoái hóa cột sống lưng
- Mỏi tay lâu ngày cảnh báo bệnh gì? Có nguy hiểm không?
- Người bị thoái hóa cột sống nên ăn gì, kiêng ăn gì?
- 8 bài tập yoga chữa thoái hóa cột sống lưng hiệu quả và dễ thực hiện
- Có nên phẫu thuật chữa thoái hóa cột sống lưng không?