Thoái hóa cột sống lưng để lại những biến chứng nguy hiểm gì?
Thoái hóa cột sống lưng là căn bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trên thực tế, có rất nhiều người còn chủ quan đối với những cơn đau nhức ban đầu mà không hay biết rằng nếu không được điều trị kịp thời bệnh sẽ để lại rất nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy những biến chứng đó là gì? Mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết sau đây để cùng tìm hiểu nhé!
Thoái hóa cột sống lưng là bệnh gì?
Thoái hóa cột sống lưng là căn bệnh mãn tính. Tổn thương cơ bản của bệnh là tình trạng thoái hóa của sụn khớp và đĩa đệm cột sống. Kéo theo đó là sự thay đổi ở phần xương dưới sụn và màng hoạt dịch gây ra các hiện tượng đau nhức khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt và vận động hằng ngày.
Thoái hóa cột sống lưng được coi là căn bệnh của người già bởi nó đi liền với quá trình lão hóa của tuổi tác. Tuy nhiên, hiện nay thoái hóa cột sống lưng đang có xu hướng trẻ hóa do những thói quen hằng ngày của người trẻ như ngồi làm việc sai tư thế, thường xuyên đi giày cao gót, lười vận động thể dục thể thao khiến sự thoái hóa xảy ra sớm hơn.
Thoái hóa cột sống lưng có nguy hiểm không?
Thoái hóa cột sống lưng không gây nguy hiểm đến tính mạng của bạn nhưng nếu không chủ động kiểm soát, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác, ảnh hướng tới sinh hoạt và công việc hằng ngày của bạn. Các biến chứng nguy hiểm của bệnh thoái hóa cột sống lưng bao gồm:
Hạn chế khả năng vận động
Khi quá trình thoái hóa cột sống diễn ra, cơ chế tự chữa lành của cơ thể bằng cách “bù đắp” đã dẫn đến hình thành các gai xương (phần xương lồi ra tư các khớp). Các gai xương này được tích tụ, khi lớn dần sẽ đâm vào các xương khác hay các mô mềm (dây chằng, dây thần kinh,...) bao xung quanh đốt sống. Đó là lý do dẫn tới các cơn đau nhức, ê ẩm, tê buốt. Các động tác như cúi, gập người, đứng lên ngồi xuống khiến bạn phải "nhăn mặt" vì cảm giác đau xuất hiện khi thực hiện. Từ đó gây tâm lý ngại vận động cho người bệnh.
Đau thần kinh tọa
Trong cấu tạo của cột sống thắt lưng có các rễ thần kinh tủy sống liên quan về cấu tạo, chức năng và bệnh lý với dây thần kinh tọa. Do đó, khi gai xương hình thành bởi thoái hóa sẽ chèn ép vào dây thần kinh tọa khiến bạn có cảm giác đau nhức từ vùng thắt lưng lan xuống mông, đùi, bàn chân và cổ chân theo đường đi của dây thần kinh tọa. Theo thời gian, các cơn đau nhức diễn biến thường xuyên hơn khiến bạn không thể vận động đi lại được nhiều nữa.
Rối loạn tiền đình
Nếu bạn bị thoái hóa cột sống đã lâu mà không được kiểm soát sẽ gây chèn ép mạch máu, khiến bạn gặp triệu chứng rối loạn tiền đình. Bạn bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, lo lắng, thường xuyên ngủ không ngon giấc, có dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Đặc biệt bạn còn hay bị chóng mặt, đi đứng dễ vấp ngã.
Tăng nguy cơ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm
Đĩa đệm là phần cấu trúc không xương nằm giữa các không gian đốt sống. Khi cột sống bị thoái hóa, các đĩa đệm này có nguy cơ bị thoái vị ra ngoài. Chỉ cần một tác nhân đủ mạnh như mang vác nặng, động tác thể thao đột ngột hoặc quá sức gây tổn thương đến bọc bao xơ bên ngoài của đĩa đệm khiến cho nhân nhầy (phần nhân nằm ở trung tâm đĩa đệm) bị thoái ra ngoài. Đây là hiện tương thoái vị đĩa đệm mà gần như ai cũng gặp phải.
Biến dạng cột sống
Ở một số bệnh nhân khi không được điều trị kịp thời hoặc điều trị sai cách khiến cho cột sống mất đi trục sinh lý tự nhiên, có xu hướng biến dạng và gây ra cong vẹo hình dáng cơ thể.
Bại liệt
Nếu tình trạng thoái hóa cột sống lưng kéo dài sẽ làm tổn thương nghiêm trọng đến dây thần kinh và dẫn đến liệt nửa người hoặc liệt hoàn toàn. Thậm chí, có thể gây rối loạn đại tiểu tiện.
Điều gì khiến người bệnh dễ mắc các biến chứng của thoái hóa cột sống lưng?
Ở Việt Nam có một thực trạng đáng lo ngại là tâm lý "ngại đi khám" của nhiều người. Khi các cơn đau khởi phát ở những giai đoạn đầu, thường khiến người bệnh chủ quan xen thường. Do tính chất cơn đau lúc này mang tính cơ học (đau khi vận động và hết đau khi ngừng vận động), đến khi các cơn đau nhức trở nên dữ dội và liên tục thì mới chịu tìm đến các bác sĩ chuyên khoa.
Bên cạnh đó, không ít người để đối phó với cơn đau nhức, tự ý sử dụng các loại thuốc giảm đau mà không lường trước tác dụng phụ của thuốc. Hoặc nghe lời mách bảo từ mọi người xung quanh sử dụng những loại thuốc đắp hay thuốc Đông y giả danh không hay biết. Đến khi bệnh không thấy khỏi, ngược lại còn nặng hơn thì mới chịu đến bệnh viện thăm khám. Quả thực, đây là những thói quen rất xấu khiến tình trạng bệnh trầm trọng, làm cho việc điều trị trở nên phức tạp hơn, tỉ lệ điều trị thành công cũng thấp hơn
Mách bạn các biện pháp phòng tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh thoái hóa cột sống lưng
Như bạn đã biết, thoái hóa cột sống lưng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đối với người bệnh. Tuy nhiên nếu bạn chủ động phòng tránh, chăm sóc và điều trị tốt cho bản thân thì bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được căn bệnh, khôi phục lại chức năng vận động của xương khớp, tránh được các biến chứng nguy hiểm.
Một số các biện pháp ngăn ngừa biến chứng bệnh thoái hóa cột sống lưng gồm có:
- Khi xuất hiện các biểu hiện đau bất thường bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời
- Tuyệt đối tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ của bác sĩ chuyên khoa về thời gian uống thuốc, liều lượng uống thuốc. Thường xuyên tái khám theo định kì để bác sĩ có thể nắm bắt được mức độ cải thiện của bệnh tình, giúp bạn nhanh chóng có kết quả điều trị tích cực.
- Tránh việc tự ý dùng thêm bất cứ loại thuốc nào khi chưa có sự tư vấn từ bác sĩ. Nếu bạn muốn dùng thêm loại thuốc nào hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về công dụng của thuốc, thành phần của thuốc có gây cản trở cho các loại thuốc đang điều trị hay không,...
- Thay đổi các thói quen tiêu cực đến hệ thống xương khớp: đi, đứng, ngồi đúng tư thế, nếu phải khuân đồ nặng hãy nhờ tới sự trợ giúp của các dụng cụ hoặc sự giúp đỡ từ người khác, thường xuyên thay đổi tư thế trong khi làm việc. Và đi ngủ đúng giờ, tránh việc thức khuya xem điện thoại hoặc laptop
- Nếu cân nặng của bạn đang vượt ngưỡng cho phép, bạn hãy chủ động giảm cân theo hướng dẫn của bác sĩ. Nhằm làm giảm bớt áp lực lên các khớp
- Xây dựng chế độ ăn khoa học. Bổ sung đầy đủ các dưỡng chất tốt cho xương khớp như Omega-3, canxi, vitamin D và các khoáng chất thiết yếu.
- Tránh xa các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá vì chúng đều chứa những chất hóa học gây tổn hại đến xương khớp, làm cho quá trình thoái hóa diễn ra nhanh hơn.
- Bên cạnh đó, bạn có thể lựa chọn một số bộ môn có cường độ tập nhẹ mà rất tốt cho xương khớp như yoga, thái cực quyền, bơi lội) hoặc bạn có thể đăng ký liệu trình trị liệu vật lý tại các cơ sở có uy tín để nhanh chóng cải thiện các triệu chứng đau nhức và cải thiện chức năng vận động có cột sống lưng.
- Cuối cùng, trong quá trình điều trị bệnh mà bạn nhận thấy có bất cứ biểu hiện bất thường nào khác thì bạn hãy thông báo sớm cho bác sĩ của mình để được hỗ trợ kịp thời.
Tóm lại, các biến chứng của bệnh thoái hóa cột sống lưng có thể khiến cho chất lượng cuộc sống của bạn sa sút, làm việc đi lại hết sức khó khăn, các cơn đau nhức đeo bám dai dẳng mãi không thôi. Do đó, để phòng tránh được những biến chứng này bạn cần tích cực điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, xây dựng thói quen lành mạnh và tránh xa các tác nhân có hại. Hi vọng bài viết trên mang lại cho bạn nhiều thông tin bổ ích!
Theo Khuongthaodan.vn
Bài viết liên quan
- Thoái hóa cột sống lưng là gì? Tổng hợp những điều cần biết về thoái hóa cột sống lưng
- Mỏi tay lâu ngày cảnh báo bệnh gì? Có nguy hiểm không?
- Người bị thoái hóa cột sống nên ăn gì, kiêng ăn gì?
- 8 bài tập yoga chữa thoái hóa cột sống lưng hiệu quả và dễ thực hiện
- Có nên phẫu thuật chữa thoái hóa cột sống lưng không?